Các loại mụn trên mặt: nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị
Bạn đang mất tự tin vì các nốt mụn trên mặt? Đây là loại mụn gì và cần điều trị ra sao? Cùng tìm hiểu nhé.
Mụn là gì?>
Phân biệt các loại mụn>
Mụn không viêm>
Mụn viêm gây sưng và đau>
Cách ngăn ngừa và điều trị các loại mụn>
Xác định đúng loại da của mình>
Làm sạch da đúng cách>
Sử dụng kem dưỡng ẩm>
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời>
Tẩy da chết hóa học>
Xây dựng thói quen lành mạnh>
Các loại mụn như mụn đầu đen, mụn đầu trắng hay mụn bọc,... đều gây mất thẩm mỹ và khiến phái đẹp thiếu tự tin. Tuy nhiên, từng loại mụn sẽ có cách nhận biết và điều trị khác nhau. Qua bài viết này, All Things Beauty sẽ giúp bạn phân biệt tất cả các loại mụn và cách chăm sóc phù hợp.
Mụn là gì?
Mụn là tình trạng da phổ biến khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Khi lỗ chân lông bị bít tắc sẽ tạo ra mụn trứng cá, mụn đầu đen và các loại mụn không viêm khác. Lỗ chân lông không thông thoáng do các yếu tố sau:
- Lỗ chân lông tiết nhiều bã nhờn
- Bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ
- Tế bào da chết tích tụ
- Lông mọc ngược
Bên cạnh đó, vẫn có các loại mụn viêm gây khó chịu và khó điều trị hơn mụn không viêm. Mụn xuất hiện nhiều nhất là vào độ tuổi dậy thì, hoặc khi cơ thể mất cân bằng nội tiết tố. Bên cạnh đó, sở hữu làn da dầu cũng dễ nổi mụn hơn làn da khô. Thời tiết bất thường, môi trường ô nhiễm, căng thẳng, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và thiếu ngủ cũng là nguyên nhân hình thành mụn.
>> Xem Thêm: Tẩy tế bào chết đúng cách cho da luôn sạch thoáng
Phân biệt các loại mụn
Mụn không viêm
Mụn đầu đen (Blackheads)
Là một dạng mụn trứng cá hở, mụn đầu đen xuất hiện khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn do tích tụ bã nhờn và tế bào da chết. Nhân mụn khi trồi lên bị oxy hóa bởi không khí nên chuyển thành màu đen. Mụn đầu đen chỉ gây mất thẩm mỹ chứ không sưng viêm gây khó chịu.
Mụn đầu đen thường xuất hiện nhiều nhất ở vùng mũi, má, trán và viền môi.
Cách điều trị:
- Xông hơi da mặt giúp làm mềm lỗ chân lông, từ đó bạn dễ dàng loại bỏ mụn đầu đen.
- Sử dụng BHA và AHA lên vùng da có mụn đầu đen.
- Sử dụng mặt nạ đất sét, mặt nạ trà xanh, than hoạt tính để loại bỏ mụn đầu đen.
- Sử dụng Retinol lên vùng da bị mụn đầu đen.
- Tẩy trang thật kỹ vào cuối ngày.
>> Xem Thêm: 8 cách trị mụn đầu đen hiệu quả
Mụn đầu trắng (Whitehead)
Mụn đầu trắng còn được gọi là mụn cám. Mụn đầu trắng thường có màu trắng hoặc hơi vàng, hình thành khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn hoàn toàn và bị đóng lại như một cục u nhỏ nhô lên khỏi da. Mụn đầu trắng thường xuất hiện nhiều nhất ở mũi, má, trán.
Cách điều trị:
- Bạn đừng cố nặn mụn đầu trắng vì sẽ gây sẹo.
- Các sản phẩm dưỡng da hoặc trị mụn chứa Axit Salicylic có thể giúp cải thiện mụn đầu trắng.
- Retinoid không kê đơn có thể hiệu quả đối với mụn đầu trắng.
Mụn ẩn
Là một dạng mụn nhọt nằm bên dưới bề mặt da, không gây sưng viêm nhưng rất dễ nhảy mụn và gây mất thẩm mỹ. Mụn ẩn có thể phát triển thành mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen. Mụn ẩn có thể xuất hiện ở trán, hai bên má và quanh miệng.
Cách điều trị:
- Bạn có thể đẩy nhân mụn ẩn bằng cách chườm ấm, đắp mặt nạ đất sét và dùng toner pad chứa Axit Salicylic.
- Tẩy da chết hóa học với BHA và AHA để làm sạch sâu lỗ chân lông, loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn dư thừa gây tắc nghẽn nang nông.
- Sử dụng sản phẩm dưỡng da có chiết xuất tinh dầu tràm trà để kháng khuẩn và hỗ trợ việc điều trị mụn tốt hơn.
>> Xem Thêm: Cách trị mụn ẩn hiệu quả tại nhà
Mụn viêm gây sưng và đau
Mặc dù bã nhờn và các tế bào da chết là nguyên nhân gây nên mụn viêm, tuy nhiên, bụi bẩn và vi khuẩn từ môi trường ngoài sẽ gây nhiễm trùng các nang lông và gây nên mụn sưng viêm nằm ở bên dưới bề mặt da.
Mụn đỏ sưng (Papules)
Mụn đỏ còn gọi là mụn sẩn, là kết quả của mụn đầu đen bị viêm, tạo thành mụn mủ màu đỏ hoặc hồng. Loại mụn này gây đau khi chạm vào. Việc dùng tay hoặc cây nặn mụn để cạy các nốt mụn này khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.
Mụn mủ (Pustules)
Mụn mủ là các nốt mụn sẩn chứa mủ màu trắng hoặc vàng bên trong, gây sưng và khiến vùng da xung quanh nốt mụn có màu đỏ, tím hoặc nâu. Ngoài da mặt, mụn mủ cũng thường xuất hiện theo cụm trên ngực hoặc lưng.
Cách điều trị mụn đỏ sưng và mụn mủ
- Mụn đỏ sưng và mụn mụn có thể được điều trị bằng những loại thuốc không kê đơn như Retinoid, Benzoyl Peroxide. Bạn có thể sử dụng Benzoyl Peroxide để giảm sưng và loại bỏ vi khuẩn có trên da. Hoạt chất này cũng giúp giảm bớt bã nhờn dư thừa. Bên cạnh đó, sử dụng các Retinoid bôi ngoài còn giúp cải thiện các nốt mụn nhọt và mụn viêm đang sưng đỏ.
- Bạn cũng có thể dùng thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm.
Lưu ý: bạn không nên nặn mụn, điều này sẽ khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn và gây tổn thương da, hình thành sẹo khó lành.
Mụn bọc (Nodules)
Mụn bọc là các nốt mụn màu da, nâu hoặc đỏ. Các nốt mụn này thường sưng to hơn mụn đỏ và nằm sâu dưới bề mặt da. Mụn bọc khác với mụn nang ở chỗ chúng không có mủ bên trong. Vì thế, khi chạm vào sẽ có cảm giác cứng hơn.
Cách điều trị:
Vì mụn bọc có nhân nằm sâu bên dưới da nên bạn khó có thể điều trị dứt điểm tại nhà. Bạn cần gặp bác sĩ da liễu để được kê toa thuốc. Đơn thuốc có thể sẽ là Isotretinoin (Sotret), một dạng vitamin A có thể dùng hằng ngày trong 4-6 tháng. Thuốc này có tác dụng làm giảm kích thước tuyến dầu bên trong lỗ chân lông.
Mụn nang (Cysts)
Mụn nang là các nốt mụn lớn chứa mủ màu đỏ hoặc tím. Các nang lông bị tắc nghẽn hình thành nên mụn nang nằm sâu bên dưới bề mặt da hơn mụn bọc. Mụn nang hình thành khi lỗ chân lông bị bít tắc do vi khuẩn, bã nhờn và tế bào da chết. Đây là tình trạng các nang lông bị viêm nhiễm nặng và mang lại cảm giác căng đau khi chạm vào. Mụn nang có thể bị vỡ, gây nhiễm trùng cho các vùng da xung quanh.
Cách điều trị:
Bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám chính xác. Điều trị mụn nang sớm giúp bạn cải thiện được ngoại hình cũng như cảm giác căng đau và sẹo mụn khó lành. Các loại thuốc bác sĩ da liễu có thể kê toa cho bạn như:
- Isotretinoin
- Thuốc kháng sinh
- Retinoid bôi ngoài
- Spironolactone (Aldactone)
Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ thực hiện tiểu phẫu loại bỏ các nốt mụn nang.
Mụn trứng cá
Mụn trứng cá có nhiều loại. Dựa vào kích thước và mức độ sưng viêm, bạn có thể áp dụng các cách điều trị khác nhau.
Mụn trứng cá mức độ nhẹ
Đây là tình trạng mụn thuộc mức độ nhẹ nếu bạn có ít hơn 20 nốt mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen. Trong đó, các nốt mụn này có ít hơn 15 nốt bị sưng viêm.
Cách điều trị:
Các nốt mụn này có thể được điều trị bằng các sản phẩm mỹ phẩm bôi ngoài không cần kê đơn như BHA, tinh dầu tràm trà, Benzoyl Peroxide, Axit Glycolic, Axit Azelaic. Cần ít nhất 8 tuần bạn sẽ thấy rõ sự cải thiện.
Mụn trứng cá vừa
Nếu bạn có 20-100 nốt mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen, trong đó có 15-50 nốt mụn bị sưng viêm, tình trạng này được xem là mụn trứng cá ở mức vừa phải.
Cách điều trị:
Đối với tình trạng này, bạn nên gặp bác sĩ da liễu để được kê toa điều trị. Cần ít nhất vài tuần để tình trạng mụn trứng cá vừa phải có thể cải thiện.
Mụn trứng cá nặng
Mụn trứng cá nặng thường là các nốt mụn nang bị viêm có màu đỏ hoặc tím. Các nốt mụn này thường để lại sẹo.
Cách điều trị:
Bạn cần gặp bác sĩ da liễu sớm để điều trị, tránh để lại sẹo mụn khó lành. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm Corticosteroid trực tiếp vào các nốt mụn để giảm kích thước và tình trạng sưng viêm gây đau nhức.
Mụn trứng cá bọc (Conglobata)
Đây là dạng mụn trứng cá hiếm gặp nhưng nghiêm trọng nhất. Tình trạng mụn này gồm các ổ áp xe nằm dưới da liên kết với nhau và với các nốt mụn khác. Mụn trứng cá bọc xuất hiện ở các vùng da như cổ, ngực, cánh tay và mông và thường để lại sẹo. Loại mụn này thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Cách điều trị:
Bạn cần gặp bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt để có biện pháp điều trị kịp thời.
Cách ngăn ngừa và điều trị các loại mụn
Xác định đúng loại da của mình
Hiểu rõ loại da của mình giúp bạn dễ dàng lựa chọn sản phẩm mỹ phẩm phù hợp hạn chế tình trạng kích ứng da.
- Những người sở hữu làn da dầu dễ bị mụn trứng cá hơn da khô. Vì thế, bạn cần lựa chọn kem dưỡng ẩm phù hợp để tránh gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Làn da nhạy cảm sẽ dễ kích ứng nếu bạn sử dụng mỹ phẩm chứa nhiều thành phần active. Từ đó, dẫn đến hàng rào bảo vệ da bị hư hại và nổi mụn nhiều hơn.
- Da hỗn hợp thiên khô hoặc da hỗn hợp thiên dầu sẽ cần áp dụng cách chăm sóc tương đối riêng biệt cho vùng da khô lẫn da dầu.
>> Xem Thêm: Làm sao để chăm sóc làn da dầu mụn?
>> Xem Thêm: Cẩm nang chăm sóc da mụn
Làm sạch da đúng cách
Mụn có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên da, nhưng thường sẽ xuất hiện nhiều nhất ở mặt. Các nhà khoa học đã xác định một loại vi khuẩn có tên Propionibacterium acnes, là nguyên nhân gây nên mụn trứng cá. Loại vi khuẩn này gây viêm tuyến bã nhờn và hình thành mụn.
Vì thế, việc làm sạch da đúng cách rất quan trọng. Các chuyên gia da liễu khuyến nghị rằng bạn nên làm sạch da tối đa 2 lần/ ngày. Tránh rửa mặt quá nhiều lần vì lớp dầu tự nhiên trên da sẽ mất đi và làn da sẽ sản xuất nhiều dầu hơn để cân bằng lại. Bạn có thể áp dụng cách làm sạch da kép để làn da thật sự thông thoáng nhưng vẫn giữ độ ẩm và mềm mịn.
Tips: sử dụng sản phẩm tẩy trang hoặc rửa mặt không chứa Sunfat, không mùi và dịu nhẹ để bạn có thể sử dụng 2 lần/ ngày. Tránh dùng các sản phẩm tẩy da chết vật lý có hạt làm tổn thương da và dùng sữa rửa mặt tạo nhiều bọt khiến da khô hơn.
Danh mục sản phẩm
Nước tẩy trang Simple MicellarDanh mục sản phẩm
Sữa rửa mặt Simple giúp kiềm dầu và ngừa mụnDanh mục sản phẩm
Sữa rửa mặt Hazeline Matcha Tràm trà>> Xem Thêm: Cách dùng nước tẩy trang chuẩn
>> Xem Thêm: Cách dùng dầu tẩy trang chuẩn
Sử dụng kem dưỡng ẩm
Nếu da bạn quá khô, da sẽ tiết thêm dầu để cân bằng. Khi dầu tiết quá nhiều sẽ dễ hình thành mụn. Vì thế, sử dụng kem dưỡng ẩm là cần thiết. Khi làn da có độ ẩm nhất định và khỏe mạnh sẽ hạn chế được tình trạng mụn. Ngoài ra, một số kem dưỡng ẩm chống lão hóa có chứa Retinol hoặc Niacinamide, giúp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng mụn hiệu quả.
Kem dưỡng ẩm chứa tinh dầu tràm trà, Axit Salicylic, cũng là lựa chọn lý tưởng cho làn da dầu mụn. Bên cạnh đó, mỹ phẩm dưỡng da chứa lợi khuẩn cũng là gợi ý lý tưởng để điều trị mụn cho da từ bên ngoài.
Tips: bạn không nên chọn kem dưỡng ẩm có hương liệu tổng hợp hoặc các thành phần dễ gây kích ứng da và lên mụn.
>> Xem Thêm: Moisturizer là gì?
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm khô cồi mụn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, về lâu dài có thể gây nên tổn thương da. Tia UV có trong ánh nắng mặt trời khiến da bị mất nước, da sẽ tiết nhiều dầu hơn và dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông.
Thoa kem chống nắng đúng cách giúp bảo vệ làn da tốt hơn. Bạn nên chọn các loại kem chống nắng với các thành phần lành tính, phù hợp với làn da mụn, ngăn tiết dầu thừa. Ngoài ra, bạn hãy thoa lại kem chống nắng sau 2-3 tiếng giúp làn da được bảo vệ toàn diện cả ngày.
>> Xem Thêm: Bôi kem chống nắng trước hay sau kem dưỡng?
Tẩy da chết hóa học
Phương pháp tẩy da chết vật lý không hiệu quả với các nốt mụn cứng đầu. Các vi khuẩn và bụi bẩn nằm sâu trong lỗ chân lông, vì thế bạn không thể dùng các hạt tẩy da chết để loại bỏ mụn, nhất là các nốt mụn đang sưng viêm.
Các sản phẩm chăm sóc da tích hợp thành phần hoạt chất sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho bạn. Sữa rửa mặt, toner, serum, mặt nạ chứa BHA, AHA, tinh dầu tràm trà, chiết xuất cây Phỉ sẽ là các thành phần hữu ích cho việc điều trị mụn. Tuy nhiên hãy nhớ rằng không nên dùng các hoạt chất tẩy da chết hóa học trực tiếp trên vùng da đang có vết mụn chưa lành bạn nhé!
Xây dựng thói quen lành mạnh
Điều trị mụn không chỉ là ở bên ngoài. Xây dựng lối sống và thói quen lành mạnh sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, từ đó hạn chế tình trạng mụn.
- Ngủ từ 7-8 tiếng/ ngày giấc giúp cơ thể tự phục hồi và tái tạo các tế bào da tốt hơn, giúp làn da khỏe mạnh hơn và ít bị mụn hơn.
- Tập yoga, thiền hoặc đọc sách giúp tâm trí thư giãn, giảm stress, từ đó hạn chế tình trạng nổi mụn.
- Bạn có thể thử các loại trà như trà hoa cúc, trà trinh nữ hoàng cung giúp làm dịu và chống oxy hóa cho cơ thể từ bên trong, cải thiện tình trạng mụn tốt hơn.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế các thực phẩm gây mụn và dung nạp các thực phẩm trị mụn từ bên trong.
- Bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, từ đó giúp việc điều trị mụn trở nên dễ dàng hơn.
- Hạn chế để mặt mộc khi ra đường vì khi đó các bụi bẩn, vi khuẩn dễ xâm nhập sâu hơn vào lỗ chân lông. Nếu bạn không tẩy trang kĩ làn da sẽ dễ nổi mụn.
- Tuyệt đối không dùng tay sờ vào mặt nhiều lần vì sẽ làm lây lan vi khuẩn ra da mặt, khiến da mặt nổi mụn.
Qua bài viết trên, hy vọng các bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về cách phân biệt các loại mụn, cách điều trị và ngăn ngừa mụn tái phát. Hãy thường xuyên theo dõi mục Hiểu về làn da để cập nhật những kiến thức chăm sóc da mới nhất nhé. Chúc các bạn luôn xinh!
Chăm Sóc Da
Cẩm nang chăm sóc da mụn cho nàng trong ngày Hè