Bí kíp và cảm hứng
từ các chuyên gia làm đẹp của Unilever
Vảy nến da đầu là nỗi ám ảnh của nhiều người. Các triệu chứng phổ biến nhất là gây ngứa ngáy, bong tróc và rụng tóc không kiểm soát. Vậy nguyên nhân nào gây ra vảy nến da đầu và liệu có phương pháp giúp cải thiện tình trạng này không? Hãy cùng All Things Beauty đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Vảy nến da đầu là một bệnh tự miễn mãn tính khiến các tế bào da sinh sản quá nhanh, tạo nên những mảng da dày, đổi màu trên da đầu, ở đường chân tóc, trán, sau gáy và quanh tai. Vảy nến da đầu không chỉ làm người bệnh cảm thấy tự ti mà còn kéo theo biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.
Tại sao bạn bị vảy nến da đầu? Nguyên nhân bị vảy nến da đầu là do hệ miễn dịch phản ứng quá mức, gây viêm và kích thích các tế bào da mới phát triển nhanh hơn. Thông thường cơ thể cần 28-30 để hình thành tế bào da mới nhưng ở người bị vảy nến da đầu, quá trình này chỉ mất 3-4 ngày.
Ngoài yếu tố di truyền, bệnh có thể khởi phát do các tác động từ bên ngoài như cháy nắng, tổn thương da đầu, stress hoặc sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý tự miễn khác.
Dấu hiệu vảy nến da đầu có thể khác nhau ở mỗi người, từ nhẹ đến nặng. Trường hợp nhẹ chỉ xuất hiện các lớp vảy mỏng hoặc bong tróc nhẹ giống với gàu trên da đầu. Trong trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể thấy:
Các mảng da dày, nổi lên với màu sắc khác nhau như đỏ, nâu, xám, tím và bề mặt da đầu phủ lớp vảy trắng bạc.
Mảng vảy lan rộng khắp da đầu, có thể kéo dài từ chân tóc, trán, sau gáy tới vùng da quanh tai.
Da đầu khô, bong tróc thành từng mảng.
Ngứa ngáy dữ dội, thậm chí đau nhức.
Da đầu có thể nứt, gây chảy máu và khó chịu.
Bạn hãy chọn loại dầu gội không chứa hương liệu, không chứa cồn vì những thành phần này có thể khiến những triệu chứng của bệnh vảy nến da đầu thêm nặng hơn. Thay vào đó, bạn nên ưu tiên sản phẩm chứa các hoạt chất như:
Zinc Pyrithione: Kháng khuẩn, kháng viêm mạnh mẽ, ngăn ngừa vi khuẩn và nấm gây hại, giúp da đầu luôn sạch thoáng.
Axit Lactic: Làm mềm và loại bỏ các mảnh da chết, vảy gàu một cách nhẹ nhàng mà không gây khô da đầu.
Dưỡng ẩm là yếu tố quan trọng đối với da đầu bị khô do bệnh vảy nến. Vì thế sau mỗi lần gội đầu, bạn hãy sử dụng dầu xả để giữ ẩm cho tóc và da đầu nhằm giảm thiểu tình trạng tóc khô xơ.
Ủ tóc với nguyên liệu tự nhiên khoảng 1 tuần/lần là phương pháp đơn giản, tiết kiệm chi phí và hỗ trợ bạn điều trị vảy nến da đầu.
Nha đam: Bạn hãy thoa trực tiếp gel nha đam lên da đầu và ủ tóc trong 15 phút trước khi gội sạch. Gel nha đam có tác dụng chữa lành vết thương, cấp ẩm và làm dịu da đầu.
Dầu dừa: Bạn chỉ cần massage dầu dừa lên da đầu, để yên khoảng 20-30 phút rồi gội sạch. Dầu dừa giúp giữ ẩm cho da đầu, giảm viêm hiệu quả.
Giấm táo: Giấm táo làm giảm cảm giác ngứa ngáy và cải thiện hàng rào bảo vệ tự nhiên của da đầu. Bạn pha loãng giấm táo và nước theo tỷ lệ 1:1, sau đó thoa đều lên da đầu và để trong 5-10 phút. Bạn có thể kết hợp với việc gội đầu bằng dầu gội chứa thành phần giấm táo để tăng hiệu quả điều trị.
>> Xem Thêm: Cách gội đầu đúng cách cho tóc và da đầu sạch sâu
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng khi điều trị vẩy nến da đầu. Bạn nên thiết lập một chế độ ăn với các thực phẩm có đặc tính chống viêm như cá thu, cá hồi, cá mòi, rau chân vịt, cải xoăn, dầu oliu… sẽ giúp gia tăng sức đề kháng cho da đầu. Đồng thời, bạn tránh dung nạp các loại đồ uống có cồn, chế phẩm từ sữa, trái cây có múi như cam, chanh và các loại rau thuộc họ cà gồm cà chua, ớt chuông, khoai tây… bởi chúng dễ gây bùng phát bệnh vảy nến.
Bạn không nên gãi hoặc chải tóc mạnh tay bởi thao tác này sẽ làm tổn thương da đầu và khiến tình trạng vảy nến trở nên nặng hơn.
Gãi da đầu mạnh vì ngứa đi kèm với stress có thể gây rụng tóc tạm thời, vì thế hãy cố gắng kiểm soát căng thẳng bằng cách duy trì lối sống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.
Bạn có thể làm dịu cảm giác ngứa bằng cách dùng khăn ướt, túi chườm mát lên vùng da bị bệnh trong vài phút.
Chỉ đội mũ khi thực sự cần thiết để da đầu của bạn luôn được thông thoáng.
Bạn nên gặp bác sĩ da liễu khi các biện pháp điều trị tại nhà không làm giảm triệu chứng vảy nến da đầu. Đặc biệt nếu da đầu có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng tấy, nóng rát, đổi màu, cần điều trị y tế kịp thời để tránh biến chứng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc áp dụng các liệu pháp chuyên sâu nhằm kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Vảy nến da đầu không lây. Đây là một bệnh tự miễn, không do vi khuẩn, virus hay nấm gây ra nên không thể truyền nhiễm từ người này sang người khác.
Vảy nến da đầu là bệnh mãn tính và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát triệu chứng, giảm viêm và ngăn ngừa tái phát hiệu quả.
Người bị vảy nến da đầu nên kiêng các thực phẩm như:
Thực phẩm giàu Protein và dễ gây dị ứng: tôm, cua, ghẹ, trứng, xúc xích,...
Chất béo bão hòa: thịt đỏ, đồ chiên xào, đồ ăn nhanh, đồ ngọt,...
Đồ uống có cồn và các chất kích thích: rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá,...
Đường tinh luyện và các thực phẩm chế biến sẵn.
Người mắc bệnh vảy nến nên bổ sung các Vitamin có đặc tính chống viêm và hỗ trợ miễn dịch như Vitamin D, Vitamin B9, Selen và Omega-3. Những loại Vitamin này giúp giảm viêm, cải thiện sức khỏe da và hỗ trợ kiểm soát triệu chứng vảy nến.
Vảy nến da đầu tuy không dễ chữa dứt điểm, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu nhờ các phương pháp điều trị phù hợp. Bạn hãy chú ý khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc tóc, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và lắng nghe cơ thể mình. Nếu tình trạng không cải thiện, đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời bạn nhé!